I- CHỌN GIỐNG:
Hiện nay có rất nhiều giống cải: Cải xanh đuôi phụng, cải xanh mỡ cao sản, cải xanh tàu, cải xanh hồng kông,…Tuỳ theo thị trường tiêu thụ mà bà con nông dân chọn giống để trồng.
II- KỸ THUẬT CANH TÁC:
1. Thời vụ:
Cải xanh có thể trồng quanh năm. Trồng thích hợp nhất là vào tháng 5 – 8 dương lịch (dl) và tháng 10 – 1 dl. Trồng cải vào mùa mưa bán có giá hơn mùa nắng. Nếu trồng trong mùa mưa nên lên luống cao và làm lưới che chắn mưa để hạn chế cải bị giập.
2. Chuẩn bị đất:
– Đất được cuốc làm tơi nhỏ, phơi ải. Bón lót phân hữu cơ, phân NPK và vôi.
– Có hai dạng liếp: Tùy mùa trồng có thể lên liếp theo một trong 2 kiểu sau đây:
+ Liếp nổi: Trồng vào mùa mưa.
+ Liếp chìm: Trồng vào mùa nắng.
Kích thước liếp trồng
Lưới che chắn trồng cải trong
3. Cách trồng:
+ Gieo hạt: Lượng hạt giống 0,5-1,5 kg/ha, tùy cách trồng (gieo hột hoặc cấy cây từ bầu).
+ Khoảng cách trồng: Gieo thẳng trên liếp hay trồng từ bầu khoảng cách 15×15 cm. Sau khi gieo hột tiến hành rãi tro trấu lấp hạt đồng thời dùng rơm đậy giữ ẩm cho cây.
Đậy rơm sau khi gieo hạt
Đậy lá dừa phủ lưới mành sau khi gieo hạt
4. Chăm sóc:
+ Tưới nước và làm cỏ: Khi mới gieo hạt, cần tưới đủ ẩm (2- 3 lần/ngày). Khi cây lớn tưới 2 lần/ngày (nếu không có mưa). Cây 15-30 ngày tuổi tiến hành làm cỏ.
+ Bón phân:
– Bón lót: Khi đánh luống bón 10-15 kg phân hữu cơ + 1,5-2,0kg phân NPK (20-20-15)/100m2 cuốc trộn vào đất.
– Bón thúc: Sau khi gieo hoặc cấy 3-4 ngày, pha 1-2 muổng canh phân Urê/thùng 10lít nước, tưới cho rau 4-5 ngày/lần. Khi cây trên 30 ngày ta có thể tăng thêm lượng phân Urê đồng thời phun thêm các loại phân bón lá.
Chú ý: Để trồng cải trong mùa mưa đạt hiệu quả cao, bà con cần thực hiện tốt các bước sau: Chọn giống chống chịu bệnh; Lên liếp cao thoát nước; Mật độ gieo thưa; Làm giàn che chắn mưa; Không tưới đẫm nước; Không tưới, bón nhiều phân đạm.
III- PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH:
1. Sâu tơ: (sâu dù)
+ Biện pháp phòng trừ: Trồng xen rau cải, cà chua (1 liếp cà 2 liếp cải, cà chua trồng sớm trước 30 ngày).
– Vệ sinh ruộng làm cỏ, tỉa lá già gom chôn xuống hố. Tưới nước buổi chiều từ 4-7giờ tối để hạn chế bướm sâu đẻ trứng.
– Bẫy đèn ban đêm để diệt bướm.
– Làm hàng rào lưới cao 2m xung quanh khu đất trồng cải hạn chế bướm bay vào.
– Sử dụng thuốc phun khi sâu non còn nhỏ nên luân phiên thay đổi các loại thuốc: Ammate 150SC; Atabron 5EC; Prevathon 5SC; Match 050EC; Pegasus 500SC; Proclaim 1,9EC; Delfin WG (32BIU),…
2. Sâu khoang :
+ Biện pháp phòng trừ:
– Phơi ải, làm đất kỹ trước khi trồng rau.
– Vệ sinh cắt tỉa gom những lá già vùi sâu xuống đất.
– Làm bả chua ngọt (4 phần dấm + 4 phần mật + 1 phần rượu + 1 phần nước + 0,1% thuốc Padan 95%) bỏ vào chậu rồi đem đặt ngoài ruộng buổi tối để thu bắt bướm .
– Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Ammate 150SC; Nouvo 3,6EC; Prevathon 5SC; Atabron 5EC; Oncol 20EC, 25WP; Nurelle D 25/2,5EC; NPV-S.1, . .
3. Sâu ăn đọt cải:
+ Biện pháp phòng trừ:
– Phơi ải, làm đất kỹ trước khi trồng rau.
– Phun 1 trong các loại thuốc trừ sâu: Ammate 150SC; Nouvo 3,6EC; Prevathon 5SC; Oncol 20EC, 25WP; Vertimec 1.6EC; …
4. Bọ nhảy sọc cong:
+ Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất trừ sâu non. Thời vụ gieo trồng nên tập trung đồng loạt.
– Chăm sóc tạo cây khoẻ ngay từ giai đoạn cây con.
– Luân canh cây trồng khác hoặc áp dụng dùng màng phủ nông nghiệp (khi trồng theo hàng).
– Kiểm tra đồng ruộng, nếu mật độ sâu cao thì dùng 1 trong các loại thuốc:
Bọ nhảy phá ở 10 – 15 ngày trước thu hoạch sử dụng thuốc: Hopsan 75 ND; Selecron 500EC; Forvin 85WP. Bọ nhảy phá 5 – 7 ngày trước khi thu hoạch sử dụng thuốc: Match 050EC; Vertimex 1,8EC phun trừ. Nếu còn 3 ngày nữa thu hoạch, mà bọ nhảy xuất hiện nhiều có thể sử dụng thuốc Success 25 SC. Thời gian phun thuốc nên tiến hành phun thuốc lúc chập tối sẽ cho hiệu quả phòng trừ cao nhất. Ngoài ra dùng thuốc hạt rải xuống hốc hoặc trên mặt đất trước khi trồng rau để diệt sâu non như: Diaphos 10G; Sago
– Super 3G; Vibasu 5H; Sargent 6G…
5. Bệnh thối nhũn:
Bệnh thối nhũn trên cải xanh
– Luống rau phải cao ráo, thoát nước tốt.
– Luôn vệ sinh đồng ruộng, thu gom nhổ bỏ những cây bị bệnh nặng, dùng vôi bột rải vào hốc cây vừa mới nhổ.
– Khi thu hoạch phải loại bỏ những cây đã bị bệnh ra, để tránh lây lan khi vận chuyển.
– Phun 1 trong các loại thuốc: Canthomil 47WP; Coc 85; Copper B; Alfamil 25WP; Viroxyl 85 BTN…
IV- THU HOẠCH:
Tuỳ giống có thời gian sinh trưởng dài dưới hoặc trên 30 ngày mà có kế hoạch thu hoạch, đối với giống ngắn ngày có thể thu hoạch 27-30 sau khi gieo, giống dài ngày hơn thu hoạch 40 ngày sau khi gieo…
( Nguồn sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau)