Kỹ thuật thâm canh chuối

I. CHỌN GIỐNG

1. Các giống chuối:

– Chuối xiêm: cây cao sinh trưởng khỏe, không kén đất, chịu hạn, chịu phèn khá, chịu nóng tốt, buồng to, mập và ngọt đậm.

– Chuối già: trái cong và vỏ còn xanh khi chín, chóp trái hình cổ chai ngắn, đầu trái bằng phẳng, năng suất cao.

– Chuối cau: là loại chuối quả nhỏ và mập, khi chín vỏ màu vàng, thịt thơm và hơi nhão, chuối cau rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

– Chuối tiêu: gồm có giống tiêu lùn, tiêu nhỏ và tiêu cao, năng suất quả rất cao, trung bình từ 13 – 14 kg/buồng (khoảng 12 – 15 tấn/ha), phẩm chất thơm ngon thích hợp cho việc xuất khẩu.

– Ngoài ra còn có các giống chuối như chuối tiêu hồng, chuối táo quạ, chuối sáp, chuối hột …

2. Cách chọn giống:

Chuối có 2 cách nhân giống:

– Nhân giống bằng chồi: chọn cây chuối con mập, khỏe, không sâu bệnh cao 0,8 – 1m, cắt bớt rễ và 2/3 lá. Giống trồng phải được chọn từ những vườn cây không bị bệnh.

– Nhân giống bằng cấy mô: cây con phải sinh trưởng tốt, cao khoảng 20 – 30 cm có từ 4 – 6 lá.

II. KỸ THUẬT TRỒNG

1. Chuẩn bị đất trồng:

– Chọn đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước và giữ ẩm tốt, tầng canh tác dày, mạch nước ngầm cách mặt đất trên 60 cm, hàm lượng mùn trên 2%, độ pH 4,5 – 8, tốt nhất là 6 – 7,5.

– Đất trồng cần làm kỹ, làm sạch cỏ dại, nếu nơi có mực nước ngầm cao, cần phải lên liếp trước khi trồng sao cho mặt liếp cách mực nước cao nhất từ 0,6 – 1 mét.

– Chiều rộng liếp trung bình 6 – 10 mét được trồng 2 hoặc 3 hàng, kích thước hố trồng 40 x 40 x 40 cm, trộn lớp đất mặt với 3 – 5 kg phân hữu cơ + 500gram Super Lân và thêm 10gram Basudine 10H cho vào hố.

2. Thời vụ trồng: chuối được trồng quanh năm, tốt nhất nên trồng vào đầu mùa mưa, cây sinh trưởng tốt cho tỉ lệ sống cao.

3. Khoảng cách trồng:

Khoảng cách trồng: thay đổi tùy theo giống và kỹ thuật để chồi. Đối với chuối xiêm 3 x 3m, chuối già 2 x 2,5m, chuối cau 2 x 2m, trồng theo hình chữ nhật hay nanh sấu.

4. Cách trồng:

Tốt nhất là nên trồng cây vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tưới đủ nước cho cây trước khi trồng. Đặt cây vào hố trồng đã chuẩn bị sẵn, nên đặt gốc chuối thấp hơn mặt liếp từ 10 – 15 cm, lấp đất lại để cây đứng vững (có thể dùng cây tầm vong hoặc tràm chống đỡ để cây chuối không đỗ ngã khi gặp gió lớn), tưới nước 2 – 3 ngày/lần để cây chuối phát triển.

III. CHĂM SÓC

Sau khi trồng, những biện pháp kỹ thuật chăm sóc thích hợp và quản lý vườn chuối tốt là rất quan trọng để đạt năng suất cao.

1. Chăm sóc:

– Trồng cây chắn gió quanh vườn, hạn chế rách lá làm giảm năng suất. Đối với chuối cấy mô khi còn nhỏ khả năng chịu hạn kém so với trồng bằng chồi. Cần chú trọng chăm sóc cây chuối cấy mô thời kỳ sau khi trồng 3 – 4 tháng. Cùng với việc giữ ẩm đất, làm sạch cỏ, che phủ đất, bón phân hữu cơ và vô cơ theo quy trình.

– Sau khi trồng 15 ngày nên trồng dặm kết hợp làm cỏ.

– Chuối là cây cần nhiều nước. Tuỳ thuộc vào địa điểm, mùa vụ và giai đoạn sinh trưởng của cây: ở giai đoạn cây con tưới 2 – 3 ngày/lần, cây trưởng thành 5 – 7 ngày/lần. Đối với cây chuối cấy mô thì cần tưới thường xuyên hơn, cứ 2 ngày tưới một lần, mỗi lần 4 – 5 lít/cây trong thời kỳ sau trồng 1 tháng. Thời kỳ sau đó tưới mỗi tuần một lần, mỗi lần 5 – 10 lít/cây sao cho duy trì độ ẩm đất 70-80%.

2. Bón phân:

Lượng phân cần phải bón cho 1 cây/vụ là: 200 – 300gram Urea; 300 – 500gram Lân và 200 – 300gram Kali.

* Bón lót: toàn bộ Lân cho vào hố trước khi trồng, ở những vụ tiếp theo thì bón sau khi thu hoạch hay đầu mùa mưa.

* Bón thúc:

– Đối với vườn chuối mới trồng:

+ Lần 1: sau khi trồng 1,5 tháng bón 50% lượng Urea và 50% lượng Kali.

+ Lần 2: khoảng 4,5 tháng sau khi trồng bón 50% lượng Urea và 50% lượng Kali.

Ở giai đoạn cây con, có thể chia lượng phân ra làm nhiều lần tưới cho cây. Khi cây trưởng thành ta có thể bón phân theo hốc hay xới nhẹ quanh gốc theo tán cây cho phân vào rồi lấp đất lại.

– Đối với vườn chuối đang khai thác: Bón 2 lần/năm vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa, lượng phân như trên.

3. Tỉa chồi và để chồi, lá:

Một cây chuối có thể sản sinh 5-10 chồi bên. Thông thường chỉ để 1- 2 chồi cho vụ sau. Các chồi khác phải bỏ đi để tránh cạnh tranh về dinh dưỡng và ánh sáng. Tỉa chồi là kỹ thuật để lựa chọn những chồi khỏe mạnh và ở vị trí thích hợp.

* Lựa chọn chồi cho vụ sau

– Chồi khỏe mạnh, cân đối, cao dưới 1 m và lá chưa xòe rộng.

– Chồi nằm trên cùng hàng với cây mẹ.

– Lựa chọn những chồi đồng đều nhau.

* Tỉa chồi

Phương pháp chung của tỉa chồi là dùng dao cắt ngang hoặc dưới mặt đất, khoét bỏ đỉnh sinh trưởng hoặc tách chồi khỏi cây mẹ.

Lưu ý: Để tránh lây bệnh từ cây này sang cây khác, dụng cụ tỉa chồi cần phải được khử trùng sau mỗi lần sử dụng.

*Cắt tỉa lá

Những lá già, lá bị bệnh sẽ bị khô, vàng úa và treo trên cây, đây là nơi cư trú của nhiều loài sâu bệnh hại. Cần cắt bỏ những lá này bằng dao bén, thường là cùng lúc với tỉa chồi. Như vậy sẽ làm giảm bệnh đốm lá và sâu bệnh khác. Đồng thời làm tăng khả năng sinh trưởng của chồi bên.

Cắt bỏ tất cả những lá bị treo trên cây và cả những lá chỉ còn dưới 50% diện tích lá khỏe mạnh và đặt giữa các hàng chuối. Nếu diện tích lá khỏe mạnh còn trên 50% thì không nên cắt bỏ mà chỉ cần làm vệ sinh.

Dụng cụ cắt tỉa lá cũng cần được xử lý giống như dụng cụ đánh tỉa chồi.

4. Bẻ bắp – bao và chống buồng:

Bắp chuối được cắt bỏ ở vị trí khoảng 10 cm dưới nải cuối cùng. Cắt bắp vào buổi trưa để hạn chế sự mất nhựa. Dùng túi polyetylen có đục lỗ để bao buồng giúp giữ màu sắc vỏ trái được đẹp hơn, hạn chế bù lạch chích hút trái non và sẽ ảnh hưởng đến năng suất khi thu hoạch. Nên dùng cây chống buồng chuối để tránh đỗ ngã.

* Lưu ý: Chuối trồng đã lâu năm nên cải tạo, trồng mới.

IV. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

1. Sùng đục củ:

Ấu trùng có màu trắng, đục thành những đường bên trong củ, chất bài tiết có màu vàng nâu, mịn, làm thối củ, cây tăng trưởng kém, buồng nhỏ, trái lép không phát triển được.

Phòng trị: vệ sinh vườn chuối thường xuyên, sử dụng Basudin hay Furadan rải trên cổ gốc chuối hoặc dùng bả mồi là những khúc thân chuối bổ đôi úp quanh gốc để bắt thành trùng.

2. Sâu cuốn lá:

Chuối bị sâu cuốn lá

Sâu non màu trắng đầy phấn. Cắn lá chuối cuộn lại và làm nhộng bên trong. Gây hại tập trung vào đầu và cuối mùa mưa, phổ biến nhất trên các vườn chuối xiêm.

Phòng trị: Biện pháp thông thường là cắt bỏ các lá bị cuốn và giết sâu.

3. Bù lạch:

Thành trùng rất nhỏ, có màu nâu hay đen thường tập trung ở các lá bắc để chích hút các trái non, làm trái có những chấm màu nâu đen (ghẻ) làm mất vẻ đẹp, rất khó xuất khẩu.

Phòng trị: phun một trong các loại thuốc sau: Confidor, Artara,… ở giai đoạn mới trổ và trái còn nhỏ.

4. Bệnh đốm lá:

Nấm bệnh gây hại trên lá tạo ra những hình bầu dục có màu nâu với viền vàng rất rõ. Bệnh phát triển mạnh vào những tháng mùa mưa, ảnh hưởng tới năng suất cây.

Phòng trị: vệ sinh vườn, cắt bỏ những lá bệnh đem đốt. Phun Bordeaux 2% từ 1 – 2 tuần/lần trong mùa mưa.

5. Bệnh héo rủ:

Các lá bị vàng từ bìa lá vào gân chính và từ các lá dưới lên các lá trên. Khi cắt ngang thân giả thấy các mạnh dẫn truyền có màu nâu đỏ. Quày và trái nhỏ phát triển không bình thường (lép), chín sớm. Gây hại nặng trên các vườn chuối Xiêm ở độ 2 – 3 năm tuổi trở lên.

Phòng bệnh: tiêu hủy cây bệnh, khử đất đối với vôi hoặc Bordeaux, chọn cây con không bị bệnh và phải xử lý trước khi trồng. Thay chuối Xiêm bằng chuối Già cui hay chuối Cau.

Cây chuối bị bệnh

6. Bệnh chùn đọt:

– Cây có nhiều lá mọc chụm lại ở ngọn thân giả, lá nhỏ, bìa vàng hay cuốn cong đi, cuống lá rất ngắn. Trên phiến lá có các sọc xanh lợt chạy song song với các gân phụ.

– Bệnh lây lan trực tiếp qua cây giống và trung gian truyền bệnh như rầy mềm sống ở các bẹ lá chuối, tuyến trùng trong đất nhằm truyền vi rút từ cây này sang cây khác.

Phòng bệnh: Loại bỏ cây bệnh khỏi vườn, chọn ra con chuối sạch bệnh để trồng, phun thuốc diệt côn trùng, thường xuyên quan sát vườn chuối để phát hiện bệnh kịp thời.

V. THU HOẠCH

Từ lúc trồng đến khi chuối trổ khoảng 6 – 10 tháng và từ trổ đến thu hoạch khoảng 60 – 90 ngày tùy theo giống. Thường độ chín của quả được xác định qua màu sắc vỏ, độ no đầy và góc cạnh của trái, tránh làm trái bị trầy xước khi thu hoạch.

 ( Nguồn sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *